LC Chuyển Nhượng Là Gì? Quy Trình Mở LC Chuyển Nhượng
L/C chuyển nhượng là một dạng thư tín dụng, quy định người hưởng lợi thứ nhất có thể yêu cầu ngân hàng mở L/C chuyển nhượng toàn bộ hay một phần số tiền của L/C cho một hay nhiều người khác.
L/C chuyển nhượng thường được áp dụng trong trường hợp mua hàng qua các đại lý, mua hàng hàng qua trung gian, hàng do các công ty con, chi nhánh giao nhưng người hưởng lợi là công ty mẹ.
>>>>>> Bài viết xem nhiều: Review Khóa Học Xuất Nhập Khẩu TPHCM
Contents
I. Mục đích mở LC chuyển nhượng
LC chuyển nhượng được dùng phổ biến trong phương thức mua bán qua trung gian, nhằm đáp ứng các mục đích sau:
– Người hưởng lợi thứ nhất ký được hợp đồng XK, nhưng hiện tại anh ta không có đủ hàng, nên phải chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của LC cho một hoặc nhiều người cung cấp hàng hóa khác (những người hưởng lợi thứ hai) ở trong cùng một nước hay ở nước ngoài.
– Khi người hưởng lợi thứ nhất với vai trò là đại lý hoặc người cung cấp chủ yếu một số mặt hàng nhất định, hoặc là người bao tiêu sản phẩm của nhà sản xuất, nắm độc quyền phân phối mặt hàng đó.
– Nhà kinh doanh xuất khẩu (nhà trung gian) tìm được thị trường tiêu thụ, nhưng không có vốn hoặc không được ngân hàng cấp vốn để mua hàng hóa hay mở LC giáp lưng, sẽ tiến hành kinh doanh xuất khẩu ăn chênh lệch giá thông qua giao dịch LC chuyển nhượng.
– Nhà nhập khẩu mở LC cho nhà môi giới (người hưởng lợi thứ nhất), trên cơ sở đó nhà môi giới sẽ chuyển nhượng toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của LC cho người cung ứng hàng hóa thực hiện (người hưởng lợi thứ hai). Qua dịch vụ môi giới, nhà môi giới được hưởng hoa hồng.
Như vậy, người thụ hưởng thứ nhất (nhà trung gian) có thể đơn thuần chỉ là nhà môi giới, nhà bao tiêu, nhà đại lý và cũng có thể là nhà kinh doanh xuất khẩu thực sự.
Về thu nhập của người trung gian: Tùy thuộc vai trò của nhà trung gian mà thu nhập có thể là:
- Nếu là nhà môi giới thì thu nhập sẽ là tiền hoa hồng (thông thường do nhà xuất khẩu trả).
- Nếu là nhà bao tiêu hay đại lý xuất khẩu, thì thu nhập sẽ là khoản chênh lệch giữa giá mua từ nhà xuất khẩu và giá bán cho nhà nhập khẩu.
- Nếu là nhà xuất khẩu thuần túy, nhưng do thiếu hàng tạm thời, hoặc do đơn đặt hàng quá lớn, thì anh ta sẽ chuyển nhượng một phần LC cho người khác thực hiện mà có thể không đòi hỏi phần chênh lệch giá.
Trong buôn bán quốc tế, việc mua bán qua trung gian (hay mua bán tay ba) sử dụng LC chuyển nhượng nhằm ăn chênh lệch giá là chủ yếu.
Tham khảo: Lộ Trình Học Xuất Nhập Khẩu Cho Người Mới Bắt Đầu
II. Điều kiện để thực hiện LC chuyển nhượng:
1. Các bên tham gia phải đồng ý thực hiện LC này, cụ thể:
– Nhà nhập khẩu chấp nhận mở LC có thể chuyển nhượng, đồng ý sự tham gia của một nhà cung cấp khác. Lý do có thể là:
(1) chưa tìm được nhà cung cấp trực tiếp, buộc phải mua qua trung gian, bởi vì việc thiết lập quan hệ buôn bán với nước ngoài phải có năng lực, kinh nghiệm, thời gian, tiền bạc, công sức…;
(2) Giữa nhà nhập khẩu và nhà trung gian đã có mối quan hệ làm ăn lâu dài, tin tưởng lẫn nhau, nếu giao dịch trực tiếp với nhà xuất khẩu, tức phải giao dịch với một đối tác mới, phải thiết lập quan hệ từ đầu, tốn kém và nhiều rủi ro.
– Nhà xuất khẩu (người thụ hưởng thứ hai) đồng ý chấp nhận LC chuyển nhượng và tiến hành giao hàng trực tiếp cho nhà nhập khẩu theo địa chỉ quy định trong LC.
2. Ngân hàng phát hành phải ghi rõ là: LC có thể chuyển nhượng (Transferable Credit). Khi ghi rõ là LC chuyển nhượng, chứng tỏ người nhập khẩu đã đồng ý cho người hưởng lợi thứ nhất được chỉ định người khác làm thay việc cung cấp hàng.
3. Các điều khoản và điều kiện của LC phải bảo đảm cho việc chuyển nhượng có giá trị thực hiện, nghĩa là không có những điều khoản vô lý, không logic, mơ hồ hay cản trở việc chuyển nhượng LC.
Ví dụ:
– LC gốc quy định điều kiện giao hàng là CFR, nhưng người thụ hưởng thứ nhất lại yêu cầu chuyển nhượng LC với điều kiện FOB.
– LC gốc quy định không cho phép giao hàng từng phần, trong khi việc chuyển nhượng lại là một phần.
– Trường hợp chuyển nhượng cho nhiều người thụ hưởng thứ 2 thị LC gốc phải có điều khoản loại trừ không áp dụng điều 32 UCP 600 (article 32 UCP 600 must be excluded)
4. Người thụ hưởng thứ nhất phải trả tất cả các chi phí và ngân hàng không phải thực hiện chuyển nhượng, chứng nào chưa nhận được phí, hoặc phải có thỏa thuận riêng giữa hai bên.
5, LC còn hiệu lực và con số tiền để chuyển nhượng.
III. Quy trình mở LC chuyển nhượng:
Quy trình mở LC chuyển nhượng được thực hiện theo sơ đồ sau:
(1a) Hợp đồng mua bán giữa người trung gian với nhà nhập khẩu (người mở LC, người mua cuối cùng), trong đó điều kiện thanh toán chỉ rõ thanh toán bằng LC có thể chuyển nhượng được.
(1b) Hợp đồng giữa người trung gian với nhà xuất khẩu (nhà cung cấp, người thụ hưởng thứ hai).
(2) Căn cứ hợp đồng mua bán, nhà NK làm đơn xin mở một LC có thể chuyển nhượng cho người trung gian hưởng (người hưởng lợi thứ nhất).
(3) Căn cứ đơn mở LC, NHPH mở một LC có thể chuyển nhượng gửi ngân hàng chuyển nhượng để thông báo cho người trung gian.
(4) Ngân hàng chuyển nhượng thông báo cho người trung gian về việc đã có một LC chuyển nhượng.
(5) Người trung gian ra chỉ thị cho ngân hàng chuyển nhượng sửa đổi C gốc và thông báo LC đã sửa đổi cho nhà xuất khẩu (người thụ hưởng thứ hai).
Chi tiết sửa đổi của LC bao gồm:
- Tên nhà trung gian thay thế cho tên người mở LC (nếu có thể).
- Giá trị của LC được sửa đổi thấp hơn so với LC gốc.
- Đơn giá của LC được sửa đổi thấp hơn so với LC gốc.
- Ngày hết hạn của LC được sửa sớm hơn so với LC gốc.
- Ngày giao hàng của LC được sửa sớm hơn so với LC gốc,
(6) Ngân hàng chuyển nhượng sau khi kiểm tra tính xác thực các chỉ thị của nhà trung gian, sẽ chuyển nhượng LC cho nhà xuất khẩu (người thụ hưởng thứ hai).
Lưu ý:
– Nếu người hưởng lợi thứ hai ở trong cùng một nước với nhà trung gian, thì ngân hàng chuyển nhượng có thể thông báo LC chuyển nhượng trực tiếp cho người thụ hưởng thứ hai (nhà xuất khẩu).
– Nếu người hưởng lợi thứ hai ở nước ngoài, thì ngân hàng chuyển nhượng nhất thiết phải thông báo LC chuyển nhượng qua một ngân hàng ở nước người thụ hưởng thứ hai (nhà xuất khẩu), nhằm mục đích xác minh tính chân thực của LC.
IV. Quy trình xuất trình chứng từ theo LC chuyển nhượng:
Quy trình xuất trình chứng từ theo LC chuyển nhượng được thực hiện theo sơ đồ sau:
(7) Nhà xuất khẩu sau khi nhận được LC nếu thấy không cần sửa đổi thì tiến hành giao hàng thẳng đến nơi quy định trong LC (đến địa chỉ của người mua cuối cùng).
(8) Nhà xuất khẩu sau khi giao hàng lập bộ chứng từ thanh toán gửi thẳng đến ngân hàng chuyển nhượng (nếu là ở cùng nước với ngân hàng chuyển nhượng), hoặc gửi qua ngân hàng phục vụ mình (nếu là ở khác nước với ngân hàng chuyển nhượng).
(9) Ngân hàng chuyển nhượng thông báo cho nhà trung gian về bộ chứng từ để nhà trung gian thay thế hóa đơn và hối phiếu (nếu cần).
(10) Nhà trung gian thay thế hóa đơn và hối phiếu rồi chuyển tới ngân hàng chuyển nhượng.
- Thay hóa đơn của người xuất khẩu (người hưởng lợi thứ hai) bằng hóa đơn của mình có giá trị cao hơn (bằng giá trị của LC gốc).
- Thay hối phiếu của người xuất khẩu bằng hối phiếu do mình phát có giá trị cao hơn (bằng giá trị của LC gốc).
(11) Ngân hàng chuyển nhượng chuyển bộ chứng từ (đã thay thế hóa đơn và hối phiếu) đến NHPH để thanh toán.
(12) NHPH kiểm tra chứng từ, nếu thấy hợp lệ thì chuyển cho nhà nhập khẩu để đi nhận hàng.
V. Phân biệt LC chuyển nhượng với ủy thác xuất khẩu:
Quy trình ủy thác xuất khẩu:
Diễn giải:
(1) Nhà xuất khẩu (chuyên nghiệp) ký hợp đồng xuất khẩu ủy thác với các xí nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa (không có nghiệp vụ hoặc không có giấy phép xuất khẩu).
(2) Trên cơ sở hợp đồng ủy thác XK, nhà XK ký hợp đồng ngoại thương.
(3) Trên cơ sở hợp đồng ngoại thương, nhà NK mở LC cho nhà XK hưởng.
(4) Căn cứ vào LC nhận được, nhà xuất khẩu tiến hành giao hàng và lập bộ chứng từ thanh toán.
Từ sơ đồ trên cho thấy:
– Bên nhận ủy thác xuất khẩu với danh nghĩa chính mình (không phải nhà cung ứng), ký hợp đồng ngoại, thực hiện giao hàng và nhận tiền thanh toán theo quy định của LC:
– Bên nhận ủy thác là người thụ hưởng duy nhất của LC.
– Bên ủy thác không có quan hệ gì với LC và với người nhập khẩu.
Với những thông tin trên, incoterms2020.vn hy vọng qua bài viết: “LC Chuyển Nhượng Là Gì? Quy Trình Mở LC Chuyển Nhượng” sẽ cung cấp được tới bạn đọc những thông tin quan trọng, bổ ích và thực tế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Để nắm rõ hơn các Kỹ năng xuất nhập khẩu, bạn có thể tham gia các khóa học xuất nhập khẩu online và offline để được chia sẻ các kiến thức từ những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
>>>> Tham khảo thêm:
Các Loại Phí Và Phụ Phí Trong Xuất Nhập Khẩu – Logistics
Cách Kiểm Tra LC Trong Thanh Toán Quốc Tế
Nhân Viên Hiện Trường Xuất Nhập Khẩu Là Gì? Làm Công Việc Gì?
Điều Khoản Bảo Hành Trong Hợp Đồng Ngoại Thương
Cách Sửa Đổi LC Và Một Số Lưu Ý Trong Thanh Toán Quốc Tế