Trong hoạt động thanh toán quốc tế, Xác nhận L/C hay L/C xác nhận có tên tiếng anh là Confirmed Irrevocable L/C là một L/C không thể huỷ ngang nhận được từ Ngân hàng Xác nhận L/C.
Nội dung về việc L/C xác nhận là gì? Vai trò của Ngân hàng Xác nhận L/C là gì? được thể hiện chi tiết trong bài viết dưới đây:
>>>>>> Bài viết xem nhiều: Khóa Học Xuất Nhập Khẩu TPHCM
Contents
1. L/C xác nhận là gì?
L/C xác nhận là một cam kết chắc chắn, không hủy ngang của một ngân hàng (Ngân hàng Xác nhận L/C) bổ sung vào sự cam kết của NHPH (Ngân hàng Phát hành) để thanh toán hoặc chiết khấu bộ chứng từ xuất trình phù hợp. Như vậy, một LC xác nhận được đảm bảo “hai lần” cho người hưởng lợi.
Trong trường hợp nhà xuất khẩu muốn có sự bảo đảm chắc chắn được thanh toán, thì một ngân hàng có thể đứng ra xác nhận LC theo yêu cầu của NHPH. Trong thực tế, các ngân hàng đại lý thường cấp cho nhau “Hạn mức L/C xác nhận” và mức phí phải trả thường từ 4-10%/năm đối với hạn mức đó. Trong trường hợp không có hạn mức, thì NHPH thường phải ký quỹ tại Ngân hàng Xác nhận, mức ký quỹ có thể tới 100% trị giá L/C.
Ngân hàng xác nhận trong L/C là gì?
Trong thực tế thì Người thụ hưởng thường chỉ định Ngân hàng Xác nhận, nếu không chỉ định, thì NHPH sẽ tự chọn, và Ngân hàng Thông báo thường được đề nghị là Ngân hàng Xác nhận. Đôi khi L/C được thông báo bởi ngân hàng này, nhưng lại được ngân hàng khác xác nhận.
Khi sử dụng mẫu điện MT700, NHPH thường chỉ định/yêu cầu Ngân hàng Thông báo xác nhận L/C bằng cách ghi vào trường 49 câu “Confirmation Instruction: CONFIRM” mà không cần gửi thư yêu cầu xác nhận. Đồng thời, trường 47A “Additional Conditions” sẽ bổ sung thêm tên và và địa chỉ đầy đủ của Ngân hàng Xác nhận, bên trả phí xác nhận.
Trong trường hợp Ngân hàng Xác nhận không phải là Ngân hàng Thông báo, thì NHPH sẽ gửi một thư/điện yêu cầu một L/C xác nhận với nội dung như sau:
ATTN: CITIBANK NEW YORK – TRADE AND RECEIVABLES DEPT.
+++ REQUEST FOR ADDING CONFIRMATION +++
YOU ARE KINDLY REQUESTED TO ADD CONFIRMATION TO THE BELOW LETTER OF CREDIT NO…….DATED……..ISSUED BY OURSELVES. CONFIRMATION FEES ARE FOR BENEFICIARY’S ACCOUNT.
QUOTE (content of LC)………. THANKS AND BEST REGARDS
TRADE FINANCE DEPT. -VCB
Một ngân hàng được đề nghị xác nhận LC, nếu đồng ý thì phải thông báo quyết định của mình đồng thời cho NHPH và người thụ hưởng; nếu không đồng ý thì phải thông báo ngay cho NHPH biết.
2. Vai trò của Ngân hàng Xác nhận L/C là gì?
Về tính logic, thì trách nhiệm trả tiền trước hết thuộc về NHPH, nếu ngân hàng này không trả thì Ngân hàng Xác nhận phải trả thay. Nhưng theo quy định của UCP, thì việc xác nhận của ngân hàng khác sẽ tạo nên một cam kết chắc chắn, không huỷ ngang, bổ sung vào cam kết của NHPH. Điều này khác với vai trò “dự phòng” hay “thứ yếu” của ngân hàng bảo lãnh trong nghiệp vụ bảo lãnh hoặc của ngân hàng phát hành L/C dự phòng.
Điều 8 UCP 600 quy định trách nhiệm của Ngân hàng Xác nhận như sau:
“A/ Nếu LC quy định chứng từ xuất trình đến Ngân hàng Xác nhận hoặc đến bất cứ NHĐCĐ (Ngân hàng được chỉ định) nào khác và xuất trình là phù hợp, thì Ngân hàng Xác nhận phải:
i. Thanh toán, nếu LC có giá trị:
a) Trả ngay, trả chậm hoặc chấp nhận bởi Ngân hàng Xác nhận.
b) Trả ngay bởi một NHĐCĐ khác, nhưng NHĐCĐ này đã không trả tiền,
c) Trả chậm bởi một NHĐCĐ khác, nhưng NHĐCĐ này đã không cam kết trả chậm hoặc đã cam kết trả chậm, nhưng không trả tiền khi đến hạn.
d) Chấp nhận bởi một NHĐCĐ khác, nhưng NHĐCĐ này không chấp nhận hối phiếu ký phát đòi tiền nó hoặc đã chấp nhận, nhưng không trả tiền khi đến hạn,
e) Chiết khấu bởi một NHĐCĐ khác, nhưng NHĐCĐ đã không CK.
ii. Chiết khấu miễn truy đòi, nếu LC có giá trị chiết khấu tại NHNN.
B/ Ngân hàng Xác nhận bị ràng buộc không huỷ ngang đối với việc thanh toán hoặc chiết khấu kể từ thời điểm xác nhận LC.
C/ Ngân hàng Xác nhận cam kết hoàn trả tiền cho một Ngân hàng được chỉ định khác khi ngân hàng này đã thanh toán hoặc đã chiết khấu đối với xuất trình phù hợp và đã chuyển giao các chứng từ cho Ngân hàng Xác nhận.
Việc hoàn trả tiền cho lần xuất trình phù hợp đối với LC có giá trị chấp nhận hoặc trả chậm là vào thời điểm đến hạn, cho dù NHĐCĐ đã trả tiền trước hoặc đã mua trước khi đến hạn hay không. Sự cam kết hoàn trả tiền của Ngân hàng Xác nhận cho NHĐCĐ là độc lập với sự cam kết của Ngân hàng Xác nhận đối với người thụ hưởng.
D/ Nếu một ngân hàng được NHPH uỷ quyền hoặc yêu cầu xác nhận LC nhưng không sẵn sàng xác nhận, thì phải thông báo không chậm trễ cho NHPH và có thể thông báo LC mà không có xác nhận của mình.”
3. Một số lưu ý về L/C xác nhận
Việc một L/C xác nhận tạo nên một cam kết không hủy ngang của Ngân hàng Xác nhận về nghĩa vụ thanh toán LC giống như NHPH. Do đó, trước khi xác nhận cân xem xét:
– Không xác nhận những LC mà không có dẫn chiếu: “LC là đối tượng điều chỉnh của UCP 600”. Nếu gặp LC loại này, thì trước hết phải gửi yêu cầu bằng điện đến NHPH để hỏi xem có áp dụng UCP 600 hay không. Nếu NHPH trả lời là không thì thông báo LC cho nhà xuất khẩu nhưng phải lưu ý là ngân hàng “không chịu trách nhiệm gì”, nghĩa là LC không có sự xác nhận của Ngân hàng Thông báo.
– Không bao giờ xác nhận nếu không có sự yêu cầu của NHPH. Tương tự, một LC có thể huỷ ngang không bao giờ được xác nhận. .
– Khi L/C xác nhận, ngân hàng phải tin tưởng rằng NHPH có khả năng hoàn trả các khoản tiền thanh toán LC. Phải tin tưởng vào sự ổn định chính trị ở nước NHPH và về quy chế ngoại hối cho phép NHPH chuyển tiền hoàn trả các khoản thanh toán LC.
– Khi được yêu cầu một L/C xác nhận có các điều khoản rõ ràng, có thể nhận được tiền hoàn trả ngay, đồng thời thu được phí xác nhận thỏa đáng, thì cần lưu ý các trường hợp: NHPH là ngân hàng chưa được biết, hoặc chứa đựng các yếu tố rủi ro quốc gia; hoặc số tiền quá lớn.
– Cần chú ý là rủi ro hoàn toàn thuộc về Ngân hàng Xác nhận và quyết định cuối cùng có nên xác nhận LC hay không là tuỳ thuộc vào khả năng phân tích của ngân hàng.
4. Từ chối yêu cầu xác nhận LC
Khi được NHPH yêu cầu xác nhận L/C hay L/C xác nhận, nhưng nếu ngân hàng chưa sẵn sàng làm việc này, thì các thủ tục từ chối như sau:
– Điện cho NHPH rằng chúng tôi không sẵn sàng xác nhận LC trừ khi chúng tôi nhận được 100% tiền ký quỹ cộng với phí xác nhận.
– Thông báo trước LC cho người thụ hưởng (nếu được yêu cầu) dưới dạng bản sao và ghi chú rõ là chưa có sự xác nhận của ngân hàng.
LC sẽ không được thông báo chính thức trừ khi ngân hàng nhận đủ tiền đặt cọc hoặc nhận được chỉ thị từ NHPH là ngân hàng có thể huỷ bỏ điều khoản yêu cầu xác nhận.
Với những thông tin trên, incoterms2020.vn hy vọng qua bài viết: “L/C Xác Nhận Là Gì? Vai Trò Của Ngân Hàng Xác Nhận L/C” sẽ cung cấp được tới bạn đọc những thông tin quan trọng, bổ ích và thực tế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Để nắm rõ hơn các Kỹ năng xuất nhập khẩu, bạn có thể tham gia các khóa học xuất nhập khẩu online và offline để được chia sẻ các kiến thức từ những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
>>>> Tham khảo thêm:
- Ngân Hàng Được Chỉ Định Là Gì? Ủy Quyền Hay Chiết Khấu
- Các Loại Phí Và Phụ Phí Trong Xuất Nhập Khẩu – Logistics
- Cách Kiểm Tra LC Trong Thanh Toán Quốc Tế
- Nhân Viên Hiện Trường Xuất Nhập Khẩu Là Gì? Làm Công Việc Gì?
- Điều Khoản Bảo Hành Trong Hợp Đồng Ngoại Thương