Ngân Hàng Được Chỉ Định Là Gì? Ủy Quyền Hay Chiết Khấu

Ngân hàng được chỉ định hay ủy quyền là chi nhánh hay ngân hàng đại lý của Ngân hàng Phát hành, được Ngân hàng Phát hành ủy quyền, chỉ định thay mặt Ngân hàng Phát hành thực hiện các giao dịch theo LC.

Cùng Incoterms2020.vn tìm hiểu về Ngân hàng được chỉ định trong hoạt động thanh toán quốc tế ở bài viết dưới đây:

>>>>>> Bài viết xem nhiều: Khóa Học Xuất Nhập Khẩu TPHCM

1. Tại sao Ngân hàng được chỉ định lại thường ở nước người thụ hưởng

Việc xuất trình phải đúng quy tắc như đã nói ở trên. Đối với LC xác nhận thì việc xuất trình chứng từ trực tiếp đến Ngân hàng Xác nhận là hợp lệ, tuy nhiên, nếu Ngân hàng Xác nhận lại ở nước khác (với người hưởng), thì LC phải được xuất trình qua một ngân hàng ở nước người hưởng, sau đó ngân hàng này mới xuất trình lại cho Ngân hàng Xác nhận,

Đó là vì sao mọi LC lại thường quy định Ngân hàng được chỉ định tại nước người hưởng. Bởi vì chỉ có Ngân hàng được chỉ định mới thay mặt Ngân hàng Phát hành, Ngân hàng Xác nhận) kiểm tra tính chân thực của bộ chứng từ như: chữ ký của người hưởng, chữ ký có thẩm quyền do bên thứ ba lập (B/L, giấy chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch…).

Ngân hàng Phát hành (Ngân hàng Xác nhận ở nước khác) không thể làm được những việc đó vì chứng từ được lập tại nước người hưởng. Đó cũng là nguyên nhân tại sao người hưởng không thể xuất trình trực tiếp bộ chứng từ cho Ngân hàng Phát hành mà phải qua ngân hàng của người hưởng.

Nội dung ủy quyền thường bao gồm:

– Thanh toán hoặc chiết khấu xuất trình phù hợp,

– Thông báo LC, chuyển bộ chứng từ đến Ngân hàng Phát hành hay Ngân hàng Xác nhận.

Ngân Hàng Được Chỉ Định Là Gì?

2. Trách nhiệm của Ngân hàng chiết khấu đối với bộ chứng từ có lỗi

Về nguyên tắc, Ngân hàng được chỉ định không bị ràng buộc vào bất cứ nghĩa vụ nào phải thanh toán hoặc chiết khấu, trừ khi có sự đồng ý rõ ràng của mình và sự đồng ý này đã được thông báo cho người thụ hưởng. Việc Ngân hàng được chỉ định chỉ tiếp nhận hoặc kiểm tra và gửi chứng từ sẽ không tạo ra trách nhiệm cho ngân hàng này phải thanh toán hoặc chiết khấu.

Điều này có nghĩa là, Ngân hàng được chỉ định có thể đồng ý chiết khấu, nhưng cũng có thể từ chối, mà chỉ kiểm tra, gửi Chứng từ và thu hộ tiền, vì đơn giản là họ không muốn ứng trước tiền cho người thụ hưởng. Ngân hàng được chỉ định không có trách nhiệm gì về thanh toán, chấp thuận và thanh toán hoặc chiết khấu chứng từ mặc dù đã kiểm tra đầy đủ về Giá trị chân thực, sự phù hợp và gửi chứng từ theo quy định.

Tuy nhiên, nếu Ngân hàng được chỉ định đã chiết khấu bộ chứng từ, nhưng không phát hiện ra lỗi, bị Ngân hàng Phát hành từ chối, thì trách nhiệm của NHCK đến đâu? Ngân hàng được chỉ định có quyền truy đòi người thụ hưởng?

Câu trả lời là:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, một khi ngân hàng với chuyên môn của mình đã kiểm tra chặt chẽ bộ chứng từ, không phát hiện ra lỗi chứng từ, sau đó ứng tiền cho người hưởng và thu phí cùng với lãi suất. Nếu Ngân hàng Phát hành phát hiện bộ chứng từ có lỗi và từ chối trả tiền, thì đó phải được xem là lỗi của Ngân hàng được chỉ định, chứ không phải lỗi của người thụ hưởng, nên Ngân hàng được chỉ định phải gánh chịu tổn thất.

Như thế mới nâng cao trách nhiệm chuyên môn cho Ngân hàng được chỉ định, hạn chế rủi ro không đáng có cho người thụ hưởng, giúp cho giao dịch LC trở nên thông suốt và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng được chỉ định được quyền truy đòi người thụ hưởng trong trường hợp Ngân hàng Phát hành không thể hoàn trả (bị phá sản) hoặc bị cấm hoàn trả (lệnh tòa án hay hạn chế quốc gia).

Quan điểm thứ hai cho rằng, vì Ngân hàng được chỉ định không có bất kỳ cam kết nào về LC, việc tiếp nhận, kiểm tra và chiết khấu bộ chứng từ chỉ là “dịch vụ thỏa thuận” giữa ngân hàng với khách hàng. Vì Ngân hàng được chỉ định không có cam kết nào, nên mọi rủi ro về bộ chứng từ do người thụ hưởng chịu. Tóm lại, quan điểm này cho rằng, việc Ngân hàng được chỉ định kiểm tra bộ chứng từ chỉ là sự “trợ giúp” khách hàng, chứ không phải trách nhiệm gắn với nghĩa vụ phải thanh toán, nêu bộ chứng từ bị từ chối thanh toán.

– ICC không có quan điểm rõ ràng về vấn đề này, mà cho rằng phụ thuộc vào luật pháp quốc gia và mối quan hệ giữa khách hàng và NHCK.

Trong thực tế, để tránh tranh chấp, cách tốt nhất và cũng thường được các ngân hàng áp dụng, đó là khi chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất, các ngân hàng phải thỏa thuận và ghi rõ đó là “chiết khấu có truy đòi hay chiết khấu miễn truy đòi”.

3. Ưu điểm và hạn chế của “Free negotiable”:

Ngân hàng được chỉ định thường là chi nhánh hay ngân hàng đại lý của Ngân hàng Phát hành.

Trong một số trường hợp, việc chỉ định một ngân hàng cụ thể ở một số nước là không dễ, vì ngân hàng này không có quan hệ đại lý với Ngân hàng Phát hành. Do đó, Ngân hàng Phát hành đã cho phép bộ chứng từ được xuất trình tại bất kỳ ngân hàng nào để chiết khấu.

– Ưu điểm của LC được chiết khấu tự do là cho phép người hưởng được phép tự do lựa chọn, thay đổi NHCK bất cứ lúc nào, để thương lượng tìm kiếm nguồn tài trợ xuất khẩu.

Nhược điểm của LC loại này là các NHCK (trừ NHTB) khó khăn trong việc xác định số lần sửa đổi LC, mà tùy thuộc vào tính trung thực của người hưởng. Có thể một sửa đổi nào đó đã có hiệu lực, nhưng người hưởng lại không xuất trình… những vấn đề này tạo ra khe hở trong kiểm tra chứng từ đối với NHCK khi ngân hàng này không phải là NHTB.

4. Ngân hàng không được chỉ định chiết khấu bộ chứng từ

Một câu hỏi được đặt ra, Ngân hàng Phát hành có được quyền từ chối bộ chứng từ đã được một ngân hàng không được uỷ quyền chiết khấu?

Về nguyên lý của LC là việc người hưởng được quyền chính đáng nhận đủ tiền từ Ngân hàng Phát hành nếu xuất trình phù hợp. Việc ứng trước tiền cho người hưởng, xử lý chứng từ… giữa các ngân hàng là những giao dịch có tính chất thủ tục dẫn đến kết quả cuối cùng là người hưởng nhận được tiền theo quy định của LC. Ngân hàng Phát hành chịu trách nhiệm thanh toán khi chứng từ xuất trình phù hợp, do đó, Ngân hàng Phát hành không được từ chối thanh toán xuất trình phù hợp cho dù bộ chứng từ không được xuất trình tại Ngân hàng được chỉ định như quy định trong LC.

Tuy nhiên, để tránh gian lận xuất trình hai lần của một bộ chứng từ, Ngân hàng Phát hành được phép liên hệ với Ngân hàng được chỉ định để làm rõ vấn đề này. Việc chậm trễ thanh toán do phải xác minh, NHCK không được quyền đòi tiền lãi phát sinh, vì chính ngân hàng này gây ra lỗi này.

5. Miễn trách đối với Ngân hàng được chỉ định

Ngân hàng được chỉ định hành động thay mặt Ngân hàng Phát hành kiểm tra chứng từ và thông báo những bất hợp lệ (nếu có) cho người hưởng và hoàn toàn không chịu bất cứ nghĩa vụ nào liên quan đến thanh toán, chiết khấu hay chấp nhận thanh toán. Do đó, việc Ngân hàng được chỉ định không làm đúng những điều được ủy quyền như vậy, không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng Phát hành (Ngân hàng Xác nhận) đối với bộ chứng từ xuất trình.

Ví dụ: Nếu Ngân hàng được chỉ định không kiểm tra tốt chứng từ, hoặc không thông báo các bất hợp lệ cho người hưởng, hoặc không giữ lại chứng từ có sai biệt mà gửi đến Ngân hàng Phát hành, thì không vì thế mà Ngân hàng Phát hành (hoặc Ngân hàng Xác nhận) mất quyền từ chối bộ chứng từ và từ chối thanh toán.

Với những thông tin trên, incoterms2020.vn hy vọng qua bài viết: “Ngân Hàng Được Chỉ Định Là Gì? Ủy Quyền Hay Chiết Khấu” sẽ cung cấp được tới bạn đọc những thông tin quan trọng, bổ ích và thực tế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Để nắm rõ hơn các Kỹ năng xuất nhập khẩu, bạn có thể tham gia các khóa học xuất nhập khẩu online và offline để được chia sẻ các kiến thức từ những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.

>>>> Tham khảo thêm:

Các Loại Phí Và Phụ Phí Trong Xuất Nhập Khẩu – Logistics

Cách Kiểm Tra LC Trong Thanh Toán Quốc Tế

Nhân Viên Hiện Trường Xuất Nhập Khẩu Là Gì? Làm Công Việc Gì?

Điều Khoản Bảo Hành Trong Hợp Đồng Ngoại Thương

Cách Sửa Đổi LC Và Một Số Lưu Ý Trong Thanh Toán Quốc Tế

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *