Cách Sửa Đổi LC Và Một Số Lưu Ý Trong Thanh Toán Quốc Tế

Việc sửa đổi LC thường bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau.

Ví dụ người nhập khẩu muốn mua thêm hàng, thay đổi địa điểm nhận hàng, gia hạn cho người xuất khẩu có thêm thời gian để sản xuất hoặc giao hàng, hoặc chỉ thị cho người xuất khẩu bổ sung thêm chứng từ để phù hợp với yêu cầu pháp lý mới ở nước người nhập khẩu,…

Bài viết sau, Incoterms 2020 sẽ hướng dẫn bạn về một số lưu ý trong sửa đổi LC là gì? để bạn vận dụng tốt hơn trong quá trình thực hiện thanh toán quốc tế.

>>>>>> Bài viết xem nhiều: Review Khóa Học Xuất Nhập Khẩu Tại TPHCM Tốt Nhất

1. Nguyên tắc sửa đổi LC

Nếu muốn sửa đổi LC, các bên cần thực hiện theo các nguyên tắc sửa đổi LC dưới đây:

a. Về loại LC:

Đối với LC hủy ngang, do có thể được sửa đổi (hoặc hủy bỏ) vào bất kỳ lúc nào mà không cần hỏi ý kiến người thụ hưởng, nên vì lý do này mà hầu hết các nhà xuất khẩu đều từ chối LC có thể huỷ ngang.

Đối với LC không hủy ngang chỉ có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ khi có sự đồng thuận của: Người hưởng, NHPH và NHẮN (nếu có).

Như vậy, ý kiến chấp nhận hay không chấp nhận sửa đổi LC của người yêu cầu không được đề cập một cách trực tiếp khi tiến hành sửa đổi LC. Điều này là vì bản thân NHPH đã thay mặt và đại diện cho người yêu cầu trong việc phát hành và sửa đổi LC, nên ý kiến chính thức của người yêu cầu được thể hiện bằng sự chấp nhận hay từ chối của NHPH. Trong thực tế, việc sửa đổi LC thường trên cơ sở thỏa thuận trước giữa người XK, người NK và được NHPH và NHXN (nếu có) chấp thuận.

b. Người đề xuất sửa đổi LC:

Vì LC được phát hành trên cơ sở những quy định trong hợp đồng mua bán giữa người nhập khẩu và người xuất khẩu, do đó, việc đề nghị sửa đổi LC thường xuất phát từ người nhập khẩu hay người xuất khẩu và phải được NHPH và NHẮN (nếu có) chấp thuận.

Người nhập khẩu, khi thấy cần thiết, chủ động soạn nội dung bản sửa đổi LC, và yêu cầu NHPH chuyển bản sửa đổi LC đến NHTB để thông báo cho người xuất khẩu về sửa đổi LC, giống như phương pháp thông báo LC ban đầu. NHTB không phải thuyết phục người hưởng lợi chấp nhận sửa đổi dưới bất kỳ hình thức nào.

Người xuất khẩu, sau khi nhận được LC, nếu thấy trái với thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hoặc muốn sửa đổi một điều khoản nào đó của LC, thì yêu cầu NHTB chuyển ý kiến của mình đến NHPH để yêu cầu chỉnh sửa LC. Nếu được chấp nhận, thì các sửa đổi này sẽ được thông báo theo cách thức thông thường.

c. Nguyên tắc chấp nhận sửa đổi LC:

Nếu việc sửa đổi LC không có hại cho người yêu cầu và người thụ hưởng, thì việc sửa đổi đó có thể được chấp nhận.

Ví dụ: Người nhập khẩu muốn tăng giá trị của LC để mua thêm hàng; nhưng, nếu người xuất khẩu muốn kéo dài thời gian giao hàng, điều đó có thể không được chấp nhận nếu người mua cần hàng đúng hạn.

NHPH và NHXN (nếu có) phải kiểm tra để thấy rằng việc sửa đổi LC là hợp lý và trong phạm vi cho phép. Sau khi kiểm tra, nếu đồng ý, NHPH chuyển nội dung sửa đổi cho người thụ hưởng thông qua NHTB.

Nếu người thụ hưởng đồng ý với sửa đổi, thì sửa đổi đó phải được đính kèm vào bản LC để xuất trình cùng bộ chứng từ thanh toán. Việc chấp nhận sửa đổi từng phần là không có giá trị. Nếu người thụ hưởng chỉ muốn chấp nhận một số điểm nào đó của sửa đổi, thì trước hết phải từ chối toàn bộ sửa đổi, sau đó mới đề xuất yêu cầu sửa đổi các nội dung theo ý của mình.

d. Quyền chấp nhận, từ chối sửa đổi LC của người thụ hưởng:

Về nguyên tắc, khi nhận được một sửa đổi LC, người thụ hưởng cân thông báo cho NHPH về việc chấp nhận hay từ chối sửa đổi. Nếu người thụ hưởng thông báo từ chối, thì đương nhiên LC gốc coi như chưa được sửa đổi và vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu. Ngược lại, nếu người thụ hưởng thông báo chấp nhận sửa đổi LC, thì sửa đổi đó có hiệu lực từ ngày phát hành.

Tuy nhiên, người thụ hưởng có quyền không thông báo trước quyết định từ chối hay chấp nhận sửa đổi của mình. Sự im lặng của người thụ hưởng hàm ý sửa đổi LC có thể được chấp nhận hay từ chối. Nếu bộ chứng từ xuất trình phù hợp với LC gốc (tức không đề cập đến sửa đổi), thì điều này nói lên rằng người thụ hưởng đã từ chối sửa đổi LC; còn nếu bộ chứng từ xuất trình phù hợp với sửa đổi LC, thì điều đó có nghĩa là người thu hưởng chấp nhận sửa đổi LC, và thời điểm chấp nhận là thời điểm xuất trình bộ chứng từ thanh toán.

e. Việc sửa đổi LC phải bảo đảm:

  • Phải sửa đổi trong thời hạn hiệu lực LC
  • Sửa đổi phải được thông báo bởi chính ngân hàng đã thông báo LC
  • Nội dung sửa đổi phải được NHPH phát hành và NHẮN xác nhận (nếu có)
  • Những nội dung của LC và những sửa đổi trước đó trái với sửa đổi sau hết liệu lực thi hành.
  • Mọi sửa đổi phải được thực hiện bằng điện.
  • Sửa đổi luôn là không hủy ngang, ngay cả khi không nói như vậy.

Cách Sửa Đổi LC Và Một Số Lưu Ý Trong Thanh Toán Quốc Tế

»»» Lộ Trình Học Xuất Nhập Khẩu Cho Người Mới Bắt Đầu

2. Một số lưu ý khi sửa đổi LC

Một số lưu ý khi sửa đổi LC như sau:

Theo phân tích ở trên, người thụ hưởng có thể thông báo cho NHPH biết việc chấp nhận hay từ chối sửa đổi LC, nhưng người thụ hưởng cũng được phép đồng ý sửa đổi mà không đưa ra lời thông báo trước nào, bằng việc xuất trình chứng từ phù hợp với sửa đổi LC.

Trong trường hợp này, LC coi như được sửa đổi tại thời điểm xuất trình chứng từ phù hợp với sửa đổi, Như vậy, hai vấn đề cần được thảo luận là:

Thứ nhất, thời gian từ khi người thụ hưởng nhận được sửa đổi đến lúc xuất trình chứng từ phù hợp với sửa đổi, NHPH có được phép coi LC là đã được sửa đổi?

Nếu thời gian này dài, chẳng hạn 3 tháng, 6 tháng… nhưng việc chấp nhận hay từ chối sửa đổi vẫn chưa được xác nhận thì hoàn toàn bất lợi cho NHPH và người mở. Đặc biệt, đối với các sửa đổi tăng, giảm số lượng hàng hóa, số tiền, rút ngắn hay kéo dài thời gian giao hàng, hiệu lực LC, thay đổi quy cách phẩm chất hàng hóa… Người mở cần có ngay bản chấp nhận của người hưởng để chuẩn bị cho các giao dịch sau đó. NHPH không giải tỏa tiền ký quỹ cho người mở chừng nào sửa đổi về giảm tiền hàng không được người hưởng chấp nhận bằng thông báo chính thức.

Mặc dù sửa đổi LC thường được thỏa thuận trước giữa người hưởng và người mở, nhưng không vì thế mà người mở lại quá vô tự cứ hành động đúng như đề nghị sửa đổi LC. Bởi vì, sửa đổi chỉ có hiệu lực khi người hưởng thông báo chấp nhận chính thức hoặc tại thời điểm xuất trình chứng từ thanh toán.

Chẳng hạn, nếu hai bên đồng ý thay đổi cảng dỡ hàng, người mua tiến hành sửa đổi LC. Như vậy, cái gì sẽ bảo đảm cho người mua chuẩn bị phương tiện vận tải nhận hàng từ cảng mới, nếu người bán không thông báo việc chấp nhận của họ qua ngân hàng. Hoặc người bán bỗng dưng thay đổi thỏa thuận, vẫn giao hàng tại cảng cũ, và xuất trình chứng từ phù hợp với LC gốc nhưng vẫn được thanh toán vì chứng từ hợp lệ. Điều này tạo ra quyền hạn quá lớn cho người thụ hưởng và bất lợi quá mức cho người mở.

Thứ hai, cho đến nay, đã có nhiều ý kiến của các ngân hàng trên thế giới là cần đưa ra thời hạn chấp nhận hoặc là từ chối sửa đổi trong vòng 7 ngày hoặc 10 ngày làm việc. Nếu trong thời hạn đó, người thụ hưởng không có thông báo từ chối thì coi như người thụ hưởng đã chấp nhận sửa đổi. Đây là giải pháp công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa người yêu cầu và người hưởng lợi.

Tuy nhiên, một quy định như vậy sẽ không bao giờ có hiệu lực. Tại điều 10 (1) UCP600 đã quy định rõ: “Một điều khoản trong sửa đổi quy định rằng sửa đổi sẽ có hiệu lực nếu người thụ hưởng không từ chối sửa đổi trong một thời gian nhất định, thì điều khoản này sẽ không được xem xét đến”.

Thứ ba, NHPH bị ràng buộc không huỷ ngang vào sửa đổi kể từ thời điểm phát hành sửa đổi. NHXN có thể thêm sự xác nhận của mình đối với sửa đổi và sẽ bị ràng buộc không huỷ ngang kể từ thời điểm thông báo sửa đổi. Tuy nhiên, NHXN có thể thông báo sửa đổi mà không có xác nhận sửa đổi, và nếu như thế, NHXN phải thông báo không chậm trễ việc không xác nhận sửa đổi cho NHPH và người thụ hưởng trong thông báo của mình.

Có hai quan điểm mở để thảo luận về vấn đề này là:

  • Trách nhiệm của NHXN đến đâu khi người hưởng xuất trình chứng từ phù hợp với sửa đổi không có xác nhận của NHXN?
  • Bởi vì một khi chứng từ phù hợp với sửa đổi thì đương nhiên là không phù hợp với LC gốc, trong khi đó trách nhiệm của NHXN chỉ giới hạn bởi LC gốc?

Đối với LC xác nhận, thì quyền và nghĩa vụ của NHPH và NHXN là như nhau. Do đó, NHXN có quyền không xác nhận sửa đổi đối với LC đã được xác nhận, giống như việc NHPH có quyền từ chối yêu cầu của Người yêu cầu về sửa đổi LC. Có nghĩa là, NHXN có thể xác nhận LC nhưng không xác nhận sửa đổi LC nếu thấy rủi ro có thể phát sinh cho mình. Khi đã từ chối xác nhận sửa đổi LC, thì trách nhiệm của NHXN được giới hạn trong LC gốc (đã được xác nhận).

Với những thông tin trên, incoterms2020.vn hy vọng qua bài viết: “Cách Sửa Đổi LC Và Một Số Lưu Ý Trong Thanh Toán Quốc Tế” sẽ cung cấp được tới bạn đọc những thông tin quan trọng, bổ ích và thực tế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Để nắm rõ hơn các Kỹ năng xuất nhập khẩu, bạn có thể tham gia các khóa học xuất nhập khẩu online và offline để được chia sẻ các kiến thức từ những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.

>>>> Tham khảo thêm:

Các Loại Phí Và Phụ Phí Trong Xuất Nhập Khẩu – Logistics

Cách Kiểm Tra LC Trong Thanh Toán Quốc Tế

Nhân Viên Hiện Trường Xuất Nhập Khẩu Là Gì? Làm Công Việc Gì?

Điều Khoản Bảo Hành Trong Hợp Đồng Ngoại Thương

ETA Là Gì

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *